Theo số liệu của Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), thì hiện nay, nguồn cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng được từ 60 - 65% nhu cầu của các TP. Nếu tính cả nhu cầu về cát của vùng nông thôn, thì tỷ lệ trên còn thấp hơn nhiều. Cát là một loại tài nguyên, có nhiều ở các lòng sông, ven suối và bãi biển. Cát là vật liệu không thể thiếu trong bất kỳ công trình xây dựng nào, từ nhà cửa cho đến cầu cống, kè đập và các công trình giao thông... Hiện tại, cát xây dựng đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2017 này, giá cát xây dựng đã tăng gấp đôi, là một minh chứng. Khai thác cát mang lại nguồn lợi vô cùng lớn. Việc cấp phép khai thác cát hiện được quản lý rất chặt. Nhưng cũng chính vì vậy mà tình trạng khai thác cát trái phép đang tràn lan như một bệnh dịch, trở thành nạn “cát tặc”, lộng hành ở khắp nơi. Không dòng sông nào mà trên đó không có hàng chục con tàu quần đảo, moi ruột lòng sông suốt ngày đêm, phần lớn là không phép. Nơi nào có “cát tặc” hoành hành, là nơi đó có nạn sạt lở. Nạn cát tặc khiến bờ sông bị xói lở, đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn héc-ta đất bãi, toàn là đất bờ xôi ruộng mật. Hậu quả của nạn “cát tặc” là Nhà nước không thu được một đồng tiền thuế nào, trong khi cát tặc thì thu lãi khủng. Để có giấy phép khai thác cát, nhiều DN đã không từ một thủ đoạn nào. Nhiều vụ khai thác cát được nấp dưới vỏ bọc “nạo vét khơi thông luồng đường thủy nội địa”. Nhưng sự thực chỉ là để moi cát, như lời Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: “Nạo vét, khơi thông luồng gì mà cát thì lấy, còn bùn đất thì bỏ lại” đã diễn ra gần đây. Như dự án khơi thông luồng sông Cầu, khi bị UBND tỉnh Bắc Ninh bóc mẽ, kiên quyết dừng việc nạo vét trên địa bàn của mình, thì chính Chủ tịch UBND tỉnh đã bị nhắn tin đe dọa, là một minh chứng. Nguồn cát tuy nhiều, nhưng không phải là vô tận. Ngoài lượng cát được khai thác dùng làm VLXD, nhiều DN còn khai thác cát để xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Những nước nhập khẩu cát, cũng như những nước nhập khẩu than của ta, không phải là họ không có than, có cát. Nhưng thấy cát và than rẻ, họ cứ nhập đã, để giữ lấy tài nguyên của mình. Họ còn biết vậy, tại sao ta lại cứ moi tài nguyên của mình lên bán rẻ? Nếu không có kế hoạch khai thác một cách hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này, thì, theo nhận định của nhiều chuyên gia, chỉ mươi năm nữa, nguồn cát của ta sẽ cạn kiệt. Lúc đó, chúng ta sẽ phải nhập khẩu cát. Mà cái giá nhập khẩu, chắc chắn sẽ đắt gấp nhiều lần giá chúng ta bán hôm nay.