(ĐTCK) Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, cần sớm xây dựng cơ chế để sản phẩm chứng quyền có đảm bảo giao dịch trong ngày tương tự như hợp đồng phái sinh.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh là giúp nhà đầu tư có công cụ phòng vệ rủi ro. Theo ông, sau 5 năm được triển khai, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có đi đúng hướng?
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán phái sinh có 2 sản phẩm chính là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch chủ yếu nằm ở hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Cơ chế giao dịch của thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư mở trạng thái bán hợp đồng tương lai chỉ số, là cơ chế phòng vệ trong thị trường giá xuống. Đáng lưu ý, thanh khoản tại thị trường tồn tại chủ yếu ở các hợp đồng tương lai 1 tháng, điều này khiến cho nhà đầu tư chỉ có thể phòng vệ rủi ro trong ngắn hạn.
Tăng độ “mịn” cho chứng khoán phái sinh ảnh 1
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán DNSE
Cơ chế giao dịch của thị trường phái sinh ưu việt khi nhà đầu tư được mua bán trong ngày, giúp cho thị trường có bước tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị và khối lượng giao dịch. Điều này có thể khẳng định là sản phẩm đi đúng hướng.
Việt Nam đã có những thành công bước đầu khi vận hành thị trường phái sinh an toàn. Tuy vậy, do số lượng loại hình hợp đồng tương lai còn hạn chế, thị trường đã đi đến một ngưỡng phát triển nhất định. Theo tôi, cơ quan quản lý cần ưu tiên nguồn lực nghiên cứu và cho ra nhiều sản phẩm phái sinh hơn nữa để thị trường tiếp tục phát triển.
Theo tìm hiểu, các cơ quan quản lý đang tính toán xây dựng thêm các sản phẩm phái sinh mới. Ông có gợi ý gì về việc xây dựng sản phẩm phái sinh mới để khớp được với khẩu vị nhà đầu tư?
Tôi nghĩ nên xây dựng cơ chế để sản phẩm chứng quyền có đảm bảo có cơ chế giao dịch trong ngày, tương tự như hợp đồng phái sinh. Cơ quan quản lý nên xem xét có cơ chế nhà tạo lập thị trường cho các công ty chứng khoán để tăng độ mịn về giao dịch và cải thiện thanh khoản cho thị trường.
Từ 7 công ty chứng khoán ban đầu, đến nay, số công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán phái sinh đã tăng lên con số 23. Theo ông, đâu là yếu tố cốt lõi quyết định sức cạnh tranh của công ty chứng khoán trên thị trường phái sinh Việt Nam?
Với một thị trường giao dịch nhanh và tỷ lệ đòn bẩy cao thì năng lực ứng dụng công nghệ để quản trị rủi ro là quan trọng nhất. Có năng lực quản trị rủi ro, công ty chứng khoán mới tối ưu được tỷ lệ đòn bẩy cũng như phí dịch vụ tốt cho khách hàng.
Dựa trên năng lực quản trị rủi ro tốt, công ty mới tham gia được thị trường bằng cách phát hành các sản phẩm phái sinh cho nhà đầu tư.
DNSE đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, lọt Top 10 công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam. Ông có thể chia sẻ mục tiêu tiếp theo của Công ty?
Mục đích của việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng là để tăng năng lực cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Chúng tôi mong muốn sử dụng công nghệ giao dịch tự chủ của mình để mang lại trải nghiệm giao dịch dễ dàng và với mức phí tốt nhất cho khách hàng.
Tôi kỳ vọng DNSE sẽ phát triển và tạo ra sự khác biệt bằng trải nghiệm giao dịch mượt mà và miễn phí trọn đời cho các nhà đầu tư giao dịch bằng tiền mặt.
Nguồn: Sưu Tầm